Dinh dưỡng khoáng trong chăn nuôi gia cầm

Khoáng chất là phần vô cơ trong thành phần thức ăn chăn nuôi gia cầm, thường chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong khẩu phần thức ăn, tuy nhiên khoáng chất có một vai trò vô cùng quan trọng đối với gia cầm.

Trong cơ thể vật nuôi và con người khoáng chất có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành các tổ chức trong cơ thể như xương, răng, máu, mô thịt….., một số chất khoáng có vai trò trong quá trình tạo các kênh ion như Na+, K+….. một số khác lại có tác dụng trong việc kích thích sự hoạt động của các enzyme, khoáng chất còn có tác dụng trong việc tham gia hệ thống đệm trong cơ thể …..

 

Dựa vào nhu cầu và sự có mặt ở trong cơ thể ta có thể chia ra thành các chất khoáng đa lượng và các chất khoáng vi lượng.

– Chất khoáng đa lượng là những chất khoáng có tỷ lệ lớn trong khẩu phần ăn thường được tính bằng tỷ lệ %.

– Khoáng vi lượng thường được tính bằng mg/kg khẩu phần thức ăn hoặc ppm/kg.

 

 

Vai trò của các chất khoáng trong chăn nuôi gia cầm

Các chất khoáng đa lượng

Ca, P: trong cơ thể Ca chiếm 1,3 – 1,8% khối lượng cơ thể, P chiếm 0,8 – 1% khối lượng cơ thể.

Na+, K+, Cl-: là các chất điện giải cần thiết cho cơ thể. Khi cơ thể mất nước do các tác nhân bệnh lý (tiêu chảy) làm mất cân bằng điện giải và mất cân áp xuất thẩm thấu giữa các tế bào làm gia cầm bị rối loạn có thể dẫn đến chết.

 

Vai trò của Ca

– Ca cùng P cấu tạo nên xương do vậy nó là chất vô cùng quan trọng trong cơ thể gia cầm, ngoài ra Ca còn có vai trọng trong quá trình hình thành vỏ trứng trong gia cầm sinh sản.

– Xúc tác chuyển hóa protrombin thành trombin (trong cơ chế đông máu), nồng độ Ca trong máu duy trì ở mức ổn định sẽ giúp hình thành cục máu đông nhanh trong các tổn thương vật lý.

– Ca còn có chức năng dẫn truyền xung động thần kinh.

– Hấp thu vitamin B12.

– Hoạt hóa enzyme tuyến tụy tiêu hóa lipit.

– Xúc tác cho enzyme trypsin tiêu hóa protein.

– Duy trì hệ đệm trong cơ thê.

 

Vai trò của Photpho

P là thành phần của photpho-lipit, photpho-protein (là thành phần cấu tạo nên màng tế bào), acid nucleotic trong cấu tạo AND của tế bào.

Photpho còn có vai trò quan trọng trong chuỗi phản ứng tạo năng lượng và là thành phần trong hợp chất dự trữ năng lượng ATP.

Việc dư thừa Canxi trong khẩu phần sẽ làm ảnh hưởng tới việc hấp thu các chất khoáng khác như P, Mg, Mn, Zn . . .

Trong khẩu phần cho gà tỷ lệ Ca/P là 2/1, tuy nhiên trong khẩu phần cho gà đẻ giai đoạn sản xuất trứng tỷ lệ trên không phù hợp, tỷ lệ cần thiết trong giai đoạn này là 12Ca/1P (hội đồng nghiên cứu quốc gia Mỹ).

Việc bổ sung nhiều CaCO3 (đá vôi) và Ca3 (PO4)2 vào khẩu phần thức ăn có thể dẫn tới giảm tính ngon miệng và làm loãng các thành phần dinh dưỡng khác.

Nếu nguồn cung cấp Ca có lẫn Magnesium thì không nên bổ sung vào thức ăn chăn nuôi cho gia cầm.

 

Vai trò của NaCl

Khẩu phần có hàm lượng NaCl cao sẽ gây gây độc cho gà, chỉ với 14 – 18g muối ăn có thể giết chết gà trong vòng 8 – 12h.

Muối ăn được hòa tan trong nước độc hơn so với muối ăn trộn vào thức ăn, nước có 0,9% muối đã gây độc cho gia cầm, nếu nồng độ muối trong nước lên tới 2% sẽ làm cho tất cả gia cầm chết trong vòng 3 ngày.

Gà nếu sử dụng khẩu phần có chứa NaCl >0,8% sẽ xuất hiện các triệu chứng phân ướt, tiêu chảy. Khi mức NaCl là 3% trong khẩu phần thức ăn, gà bị tiêu chảy dữ dội sau 3h sử dụng, phân chuyển sang màu xanh (xanh lá chuối) sau chuyển sang màu vàng. Khi lên tới 4 – 6% gà giảm tiêu thụ thức ăn và tăng uống nước, giảm đẻ và chết.

Bình thường trong khẩu phần dinh dưỡng của gà nên bổ sung NaCl 0,3 – 0,5%.

 

Khoáng vi lượng

Các khoáng vi lượng gồm có Cu, Fe, Iodine, Mn, Zn vad Selenium cũng rất cần thiết cho sự phát triển của gia cầm.

Đối với gia cầm việc bổ sung thêm Cu và Fe không cần thiết do trong khẩu phần thức ăn vì hai chất này thường dư thừa so với nhu cầu.

Các khoáng này tồn tại dưới dạng thành phần của các đại phân tử hữu cơ lớn như hemoglobin và cytochromes. Sắt là thành phần của thyozine, Cu, Mn, Zn và selenium là thành phần quan trọng trong enzyme, Zn còn có chức năng trong AND. Nếu một trong các khoáng chất này thiếu có thể dẫn tới rối loạn chức năng trong cơ thể.

Trong khẩu phần thức ăn thường cân đối đầy đủ các chất khoáng, các nguyên liệu cấu thành sản phẩm thức ăn chăn nuôi cũng chứa đầy đủ các chất khoáng vi lượng, tuy nhiên hiện nay việc vận chuyển và giao lưu hàng hóa tăng cao do vậy tại một số vùng đất canh tác nông nghiệp thiếu một số chất khoáng vì thế nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chưa thể đáp ứng nhu cầu của gia cầm, do đó cần bổ sung thêm các khoáng chất để có được sự cân bằng trong công thức.

Ngoài ra cần chú ý tới việc tương tác các chất khoáng trong khẩu phần thức ăn tạo ra các chất không thể hấp thu được để có những tính toán chi tiết, ví dụ như: đồng với molubdenum, selenium với thủy ngân, Ca với Zn, Ca với Mn . . .

Ảnh hưởng của việc thiếu khoáng chất trong khẩu phần thức ăn

Thiếu Calcium và phosphorus

Việc thiếu một trong ba chất Ca, P và vitaminD3 thì quá trình tổng hợp xương của gà bị rối loạn dẫn tới hiện tượng còi xương, chậm lớn.

Tuy nhiên cũng nên tránh tình trạng bổ sung quá nhiều hai chất khoáng này có thể dẫn tới việc giảm hấp thu các chất khoáng khác.

Không nên sử dụng P có nguồn gốc từ thực vật (đó là phytin) do

– Gia cầm không thể hấp thu P ở dạng này.

– Chất này có thể gắn kết với Ca, Zn, Fe và Mn chuyển chúng thành hợp chất khó tiêu hóa.

Cần lưu ý tới gà giai đoạn đầu lên đẻ vì nhu cầu Ca tăng đột biến do vậy cần theo dõi chặt chẽ và nên có những phương án can thiệp kịp thời. Hiện nay ở một số trang trại vẫn bổ sung đá vôi trong những tuần đầu khi gà lên đẻ.

Thiếu Magnesium

Thiếu Mg trong khẩu phần dẫn tới gà bị kích thích thần kinh, rất dễ bị náo loạn và streess, nếu thiếu Mg trần trọng làm gà chậm phát triển, nếu nặng có thể dẫn đến chết.

Gà đẻ nếu bị thiếu Mg làm sản lượng trứng tụt giảm rất nhanh nếu nặng cũng dẫn tới tử vong, nếu gà giống bị thiếu Mg dẫn tới tỉ lệ ấp nở giảm. Thường hàm lượng Ca, P trong thức ăn cũng ảnh hưởng tới khả năng hấp thu của gia cầm.

Thường thì thức ăn tự nhiên hàng ngày cũng đã cung cấp đủ lượng Mg cho gia cần.

 

Thiếu Manganese

Thiếu Mn trong khẩu phần sẽ dẫn tới bệnh Perosis, thiếu các chất dinh dưỡng khác như choline và biotin cũng có thể dẫn tới bệnh Perosis.

Các dấu hiệu thường thấy của bệnh Perosis là các chi, khớp chi sưng tấy và bị duỗi thẳng, gân achilles bị trẹo ra khỏi lõi cầu; xương chân, ống chân có thể bị cong gần chỗ nối với khớp khửu. Hiện tượng này có thể bị cả hai chân hoặc chỉ bị một chân.

Hiện nay còn ghi nhận được hiện tượng xương chân và xương cánh của gia cầm bị ngắn lại do thiếu Mn, sự rối loạn này còn trầm trọng hơn nếu lượng Ca và P trong khẩu phần quá lớn.

Đối với gà đẻ trứng giống và gà đẻ thương phẩm việc thiếu Mn dẫn tới hiện tượng giảm sản lượng trứng, giảm độ cứng của vỏ, các xương ức, chân bị biến dạng.

 

Thiếu Iodine

Do có vai trò quan trọng trong tổng hợp các hoocmon nên việc thiếu Iodine có thể dẫn tới viêm tuyến giáp, ảnh hưởng trực tiếp tới các hoocmon tuyến giáp gây giảm tỷ lệ ấp nở và hiện tượng sưng tuyến giáp.

 

Thiếu Cu

Gia cầm bị thiếu Cu sẽ dẫn tới thiếu máu, khi mắc các bệnh này thì tế bào hồng cầu giảm đi và lượng hemoglobin cũng giảm. Xương có thể bị biến dạng do thiếu chất này. Thiếu Cu còn làm cho tim của gia cầm sưng to hơn mức bình thường.

 

Thiếu Fe

Gà và gà tây khi bị thiếu Fe dẫn tới thiếu máu, giảm hồng cầu về kích thước và số lượng. Khi thiếu Fe quá trình hình thành các sắc tố lông và da cũng không được tổng hợp.

 

Thiếu Zn

Thiếu Zn dẫn tới giảm phát triển lông gây cho gà có biểu hiện xơ xác. Ngoài ra còn tác động tới xương ức và xương chân gây biến dạng.

 

Thiếu Selenium

Do Seledium có quan hệ mật thiết tới sự tổng hợp vitamin E. Việc thiếu Selenium có thể dẫn tới các bệnh ở mào và tích ở gà tây, nó còn ảnh hưởng tới tuyến tụy. Việc bổ sung quá nhiều Selenium có thể dẫn đến gà bị ngộ độc, tại Mỹ và Canada có quy định về nồng độ tối đa cho Selenium.

Như vậy các chất khoáng có vai trò rất lớn trong khẩu phần thức ăn chăn nuôi, đặc biệt trong chăn nuôi gà đẻ trứng giống và gà đẻ thương phẩm. Chúng ta có thể bổ sung thêm các chất khoáng tinh khiết đang bán ngoài thị trường vào khẩu phần để cân bằng được sự thiếu hụt do sử dụng nguyên liệu ở các vùng khác nhau.

Các chất khoáng có thể làm giảm hiệu quả chăn nuôi do vậy việc cần thiết để có được một khẩu phần cân đối cho chăn nuôi gà công nghiệp là điều vô cùng cấp thiết, đòi hỏi các nhà khoa học và các công ty thức ăn chăn nuôi luôn luôn có những điều chỉnh sao cho hợp lý.

 

(Nguồn: VietDVM.com)